• Da thật và da nhân tạo: bạn đã biết sự khác biệt?19-10-2023 03:21:37 PM

    Da nhân tạo và da thật đều là những vật liệu được ứng dụng rất nhiều trong các sản phẩm bọc nệm của ngành nội thất. Tùy thuộc vào ngân sách và tạo hình hoàn thiện của sản phẩm mà nhà sản xuất sẽ lựa chọn chất liệu phù hợp.

    Trong nội thất, da thật chủ yếu là sản phẩm đến từ da bò vì có diện tích miếng da đủ lớn và giá thành không quá cao cấp. Giá thành da bò phụ thuộc nhiều yếu tố độ dày, lớp da sử dụng, quy trình sản xuất (hóa chất, kỹ thuật…),…

    Da nhân tạo có nhiều loại như microfiber, PU, PVC… với nhiều mức độ giá thành và nhiều tiêu chuẩn khác nhau về chất lượng, độ dày mỏng, các xử lý chuyên biệt như độ mài mòn, phai màu, khả năng chịu trầy xước, chống cháy lan…
     

     

    Bảng so sánh da thật và da nhân tạo

     
      Da thật Da nhân tạo
    Nguyên liệu Da động vật được xử lý bằng hóa chất. Gồm đế vải được phủ polyvinyl chloride (PVC)  hoặc polyurethane (PU); 
    Giá cả Là mặt hàng cao cấp giá cao cấp; đắt hơn nhiều so với da tổng hợp Giá rẻ hơn da thật
    Độ bền Rất bền (10-15 năm nếu bảo trì tốt), sử dụng trong điều kiện gồ ghề, nhưng sẽ phai màu dưới ánh nắng mặt trời và xuống cấp theo thời gian Ít bền hơn, PVC: 5-7 năm, PU/microfiber: 3-4 năm.
    Độ thoáng khí Có Không
    Màu sắc và bề mặt vân Ít đa dạng hơn Màu sắc và bề mặt vân rất phong phú, có thể làm được theo yêu cầu
    Chăm sóc Chi phí bảo trì cao, vệ sinh phức tạp Chi phí bảo trì thấp, vệ sinh đơn giản
    Vấn đề về đạo đức và môi trường Da thật bị chỉ trích do việc dùng hóa chất trong quá trình thuộc da. Quá trình tẩy lông và khử vôi cũng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, da thật phân hủy nhanh hơn, khoảng 50 năm Quá trình sản xuất thường tạo ra các phế thải, mùi ảnh hưởng đến môi trường và con người. Da nhân tạo rất khó phân hủy sinh học, có thể mất tới 500 năm 
     
     

    Các loại da và đặc tính

    Da thật

    Các loại da thật phổ biến trong ứng dụng nội thất hiện nay có giá thành giảm dần từ da full grain đến da top grain và rẻ nhất là da genuine.
     

    Full Grain Leather: là loại da bò cao cấp nhất, tự nhiên nhất với việc giữ lại toàn hạt da tự nhiên bao gồm cả các tỳ vết vốn có của phía mặt ngoài.

    Top Grain Leather: Là lớp da giao với da hạt (full grain leather) sản phẩm được dập “hạt vân giả” lên bề mặt sau đó nó được xử lý và nhuộm màu để cho ra sản phẩm có mặt da đẹp đồng nhất.

    Genuine leather: da đã bị tách mất lớp top-grain (lớp da bề mặt), sau đó dán một lớp polyurethane và dập hạt da giả để trông giống top-grain leather.

    Da nhân tạo

    Ba loại da nhân tạo phổ biến nhất là Microfiber, Polyurethane (Da PU) và Polyvinyl Clorua (Da PVC). Nếu chỉ dựa theo bề mặt thì cả 3 loại da nhân tạo đều có bề mặt khá giống nhau nên thường gây nhầm lẫn. Trong 3 loại da nhân tạo thì microfiber có giá thành cao nhất, kế tiếp là PU và rẻ nhất là PVC.
     
      PVC PU Microfiber
    Cấu tạo Đế vải + lớp giữa phát xốp + lớp phủ bề mặt Polyvinyl Clorua Đế vải có tráng nhựa sẵn 1 lớp + lớp phủ bề mặt Polyurethane Vải siêu sợi không dệt, kết cấu chắc chắn + lớp phủ bề mặt Polyurethane
    Tính chất độc hại Thành phần vinyl clorua - một loại nhựa độc hại, có thể gây ung thư PU không có hoạt tính hóa học và việc tiếp xúc lâu không gây hại gì cho sức khỏe PU không có hoạt tính hóa học và việc tiếp xúc lâu không gây hại gì cho sức khỏe
    Độ lão hóa của bề mặt 5-7 năm 3-4 năm 3-4 năm
    Phân biệt khi cháy PVC cháy có mùi khét và khói đen, ngọn lửa bùng. PU cháy có khói trắng, ngọn lửa âm ỉ, ít bùng lớn Microfiber cháy có khói trắng, ngọn lửa âm ỉ, ít bùng lớn
    Giá thành Trung bình 50.000-150.000 đ/m Trung bình 100.000- 200.000đ/m Trung bình 200.000-300.000 đ/m
    Bảng so sánh da PVC, PU và Microfiber


    Cách phân biệt da thật và da nhân tạo

    Mùi

    Da thật thường mang mùi đặc trưng mà bạn có thể phân biệt dễ dàng với mùi của da tổng hợp (không có mùi hoặc hơi giống mùi nhựa).

    Bề mặt

    Da thật có bề mặt với nhiều rãnh nhăn, độ mềm mại, dẻo dai sẽ tốt hơn so với da nhân tạo (thường cứng và ít nhăn).

    Mùi khi đốt cháy

    Da thật có cấu tạo từ protein nên khi cháy có mùi giống lông/tóc bị cháy, cháy chậm và sau khi hết cháy sẽ có than tro. Da nhân tạo sẽ có mùi khét gắt của nhựa, dễ cháy bùng, khói đen hoặc khói trắng.

    Độ thẩm thấu nước

    Da thật luôn hấp thụ độ ẩm tốt và dễ bị ngấm nước còn nhân tạo gần như không thấm nước.

    Ứng dụng trong sản xuất nội thất

     


    Ghế thư giãn Egg được sản xuất bằng da thật tại nhà máy HOME'FURNI
     
    Hiện nay, da bò và PVC là 2 chất liệu được sử dụng phổ biến nhất ở Việt nam. PU và microfiber có giá thành rẻ hơn da thật nhưng tuổi thọ không cao do dễ bị rạn nứt và phân hủy bề mặt sau thời gian 2-3 năm nên thường ít được ưa chuộng. Trái ngược ở phương Tây, do vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng được coi trọng và hành vi thường xuyên thay đổi đồ nội thất nên họ lại thường sử dụng PU/microfiber thay cho PVC – một vật liệu đươc coi là có nhiều hóa chất độc hại tác động đến sức khỏe.

     
     

    Kết luận

    Như vậy, tùy thuộc vào ngân sách, tuổi thọ mong muốn và thiết kế của sản phẩm mà người sản xuất, người thiết kế hoặc chính người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình chất liệu phù hợp với từng sản phẩm nội thất cần bọc nệm. Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng bền vững ngày nay thì việc lựa chọn những chất liệu thân thiện với môi trường và sức khỏe cũng sẽ dần dần tác động tới hành vi lựa chọn trong sử dụng chất liệu sản xuất nội thất.

     
    Biên tập: Junnie
  • © 2019 Home'Furni. All rights reserved.